Dave Portnoy, nhà sáng lập Barstool Sports, đã có những chia sẻ thẳng thắn về meme coin trong cuộc trò chuyện cùng CEO Tom Farley của Bullish. Theo ông, sự hấp dẫn của loại tài sản này không nằm ở giá trị thực tế mà chủ yếu đến từ tính đầu cơ cao và cảm giác “thắng lớn” mang tính may rủi.
“Tôi là người mê cờ bạc từ trong máu,” Portnoy thừa nhận. Tuy nhiên, ngay cả với ông, cũng có lúc tự hỏi liệu việc tham gia vào thị trường tiền meme có đáng để đánh đổi những hệ quả không mong muốn.
Trong buổi trò chuyện, Portnoy nhìn nhận rằng văn hóa đầu cơ trong thế giới tiền số đang bị dẫn dắt bởi những token không có giá trị nội tại – còn được gọi là tiền điện tử meme. Đây là những đồng coin được tạo ra với mục đích gây chú ý, giải trí, và thường không đi kèm bất kỳ ứng dụng thực tế nào.
SafeMoon và những khoản lỗ đầu tiên
Portnoy kể rằng lần đầu bị thu hút là khi thấy mạng xã hội lan truyền việc nhà đầu tư kiếm “9 tỷ phần trăm” lợi nhuận từ SafeMoon – một trong những token meme nổi bật thời kỳ dịch COVID-19. Ông mua vào, làm video chế giễu giá trị thực của đồng này – nhưng lại trở thành mục tiêu kiện tụng.
“Họ nói SafeMoon trả tiền tôi để quảng bá – hoàn toàn không đúng. Tôi đã mất 20.000 USD để thoát khỏi vụ kiện đó,” ông chia sẻ.
Mạo hiểm với 4,5 triệu đô và mất trắng vì Libra
Không dừng lại, Portnoy tiếp tục tìm hiểu cách tự tạo đồng tiền meme của riêng mình. Ông làm việc với một nhà phát triển, người giới thiệu một đồng token mang tên Libra, được cho là có sự hậu thuẫn từ tổng thống Argentina.
Với niềm tin và chút hưng phấn, ông đầu tư 4,5 triệu USD.
“Tôi đang ở SNL với Lady Gaga và nghĩ, chuyện quái gì đang diễn ra vậy?” – Portnoy nhớ lại. Nhưng thay vì nhận được sự ủng hộ từ Elon Musk như lời hứa, tổng thống Argentina lên tiếng phủ nhận hoàn toàn. Hệ quả: “Tôi mất trắng số tiền đó.”
May mắn thay, nhà phát triển sau đó đã trả lại toàn bộ số tiền cho ông – dù chính Portnoy cũng không rõ lý do. “Tôi nằm trong số ít người được hoàn tiền – và tôi không phàn nàn về điều đó.”
Những trò đùa mang tên Greed, JailStool và khoản lời ảo 7 triệu USD
Portnoy sau đó cho ra mắt hai đồng coin mang tên Greed và Greed 2 với mục tiêu châm biếm chính trào lưu tiền meme. Trong khi đó, một bên thứ ba phát hành đồng JailStool như một lời phản đối Portnoy, nhưng ông lại vui vẻ đón nhận và chia sẻ công khai.
Từng có thời điểm, ông tuyên bố: “Khoản đầu tư 1.000 USD của tôi tăng lên 7 triệu USD chỉ trong 1 giờ.”
“Tôi mất 13 năm để kiếm số đó ở Barstool,” ông nói thêm.
Những cáo buộc “rút thảm” và sự tỉnh ngộ
Tuy nhiên, như mọi câu chuyện “ăn xổi”, sự thịnh vượng của tiền meme cũng nhanh chóng lụi tàn. Portnoy thú nhận đã không thể đếm nổi số lần bị cáo buộc rug pull – thuật ngữ mô tả hành vi “bán tháo nội bộ” khiến người đến sau gánh chịu thua lỗ.
“Đó là một trò chơi gian lận,” ông nói. “Cùng một nhóm người luôn thắng, và cùng một nhóm người luôn thua.”
Nhận thức này khiến ông bắt đầu đặt lại câu hỏi về tính bền vững của thị trường tiền meme. Mặc dù từng úp mở khả năng ra mắt Greed 3, ông cũng thừa nhận những phản ứng tiêu cực ngoài đời thực – như bị một người đàn ông đối chất tại Las Vegas vì mất 200.000 USD – đã để lại dấu ấn nặng nề.
“Mọi thứ sau màn hình thì vui đấy, nhưng ngoài đời là tiền thật – và có những người không hiểu rõ rủi ro,” ông nói.
Meme coin là Ponzi? “Tôi hiểu vì sao người ta thích, nhưng…”
Kết luận, Portnoy không lên án nhưng cũng không cổ súy: “Tôi hiểu vì sao mọi người thích tiền meme. Nó là cờ bạc. Là mô hình Ponzi, và tôi không nói điều đó theo nghĩa tiêu cực.”
Tuy nhiên, ông tỏ ra hoài nghi về tương lai của nó: “Tôi không nghĩ nó có thể tồn tại mãi mãi. Có thể thêm 4 năm nữa. Sau đó? Tôi không biết.”
Dù trải qua những thăng trầm với tiền điện tử meme, Dave Portnoy là một ví dụ điển hình về mặt tối của sự bùng nổ crypto. Đằng sau những con số tăng vọt, sự hào nhoáng trên mạng xã hội và cảm giác “trúng số độc đắc” là vô số rủi ro – và thực tế rằng không phải ai cũng đủ may mắn để “trở về với ví đầy tiền.”